"Đừng hoang tưởng về biển lớn" là những chia
sẻ về các trải nghiệm - bao gồm những sai lầm, thất bại của TS Alan Phan, người
đã có 40 năm bôn ba kinh doanh ở nhiều nơi trên thế giới.
|
Tác giả: Alan Phan NXB Lao Động - 210 trang Bản quyền: Công ty cổ phần Sách Thái Ha (Thaihabooks) |
Một bài viết gần đây trên Vietnamnet ghi nhận có đến 92% doanh nghiệp Việt Nam
bày tỏ ước muốn được tiếp cận thị trường thế giới hay còn gọi là "tìm
đường ra biển lớn". Các doanh nhân này liệt kê những lo sợ và khuyết điểm
của mình trên đấu tưrờng mới, gồm việc thiếu vốn, thiếu quan hệ, thiếu công
nghệ, thiếu thương hiệu, thiếu hiểu biết về luật lệ và phương thức quản trị. Tuy
nhiên, không có người nào nói ra một điều mà tôi cho là quan trọng nhất: thay
đổi tư duy cá nhân để có được nội lực mà giải quyết các vấn đề trên.
Tư duy này rất cần cho doanh nhân Việt, vì nó phải khác hẳn những gì họ đã
học, đã quen và đã tạo sự thành công cho họ ở quê nhà. Tư duy này rất cần vì nó
đem lại cho doanh nghiệp sự trung thực và minh bạch, cũng như những chuẩn mực
đạo đức kỷ cương để thành công bền vững. Tư duy này sẽ giúp họ vượt qua những
định kiến sai lầm về thất bại, nghèo khó, sáng tạo hay cách giao tiếp với đối
tác, khách hàng và đối thủ.
Tại Mỹ, những quy tắc về quản trị, quan hệ với quan chức, về tiếp thị, gây
vốn, pháp lý, nhân viên, chất lượng sản phẩm, phí tổn điều hành... gần như
ngược lại tất cả những gì hiện đang áp dụng tại Việt Nam. Môi trường kinh doanh
tại Trung Quốc thì gần gũi hơn với xứ ta, nhưng tôi không nghĩ một doanh nghiệp
lớn, nhỏ nào của Việt Nam
có thể cạnh tranh hữu hiệu tại sân chơi của họ.
Khi tư duy mình không còn những hoang tưởng hời hợt và những lạc quan phi lý
về biển lớn, thì khi đó chúng ta mới đủ bình tĩnh và nghiêm túc để phác họa một
chương trình ra khơi thực tế, khả thi.
Chương 1 - Không ngừng đặt
câu hỏi
Robert Kennedy có câu: "Những nghiên cứu gia nhìn vào sự kiện đang xảy
ra và hỏi tại sao. Tôi mơ về những sự kiện đã không xảy đến và hỏi tại sao
không?" (There are those who at things the way they are, and ask why... I
dream of things that nerver were, and ask why not?).
Thế giới kinh doanh không thiếu tiền mà chỉ thiếu ý tưởng. Những ý tưởng
sáng tạo - làm thay đổi thói quen và hành xử, cải thiện hiệu năng vượt bậc - là
những ý tưởng đã đem lại tài sản hay danh vọng khổng lồ cho nhiều doanh nhân.
Người Mỹ gọi chúng là những game-changers hay là những bước tiến đã thay đổi
cuộc chơi.
Facebook đã khiến một anh sinh viên 24 tuổi Zuckerberg trở thành tỷ phú.
Trước đó là các doanh nhân đã sáng lập ra Google, Apple, Microsoft, Intel, IBM,
Bell, RCA,
Carnegie... Tất cả đều là những thanh niên khởi nghiệp với trí tuệ, nghèo và
kiên nhẫn. Họ chỉ có ý tưởng, không có tiền và tất cả đều đã thành công trong
việc thay đổi phần lớn đời sống nhân loại. Muốn vậy, họ đã biết đặt câu hỏi
chính xác là "tại sao không?". Họ đã dám đi vào lề trái của 99% đám
đông. Họ dám có những tư duy khác lạ so với những suy tưởng bình thường của xã hội.
Dĩ nhiên, rất nhiều người, dù thành công hay thất bại, trong bọn họ đã phải
trả giá đắt. Từ những mất mát về tiền bạc, đến những mất mác về danh tiếng, thị
phi. Thậm chí nhiều người còn mất mạng vì ý tưởng hay khám phá lạ đời, như
Galileo với giả thuyết trái đất tròn, như Socrates với biện giải logic.
Tư duy mới sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi là tình trạng hiện tại do ai duy
trì và họ có những lợi ích gì vào sự ù lì của tình thế? Kế tiếp là những thay
đổi sẽ đem đến những cơ hội và rủi ro gì? Ngoài thay đổi, chúng ta có thể tìm
được những phương hướng gì khác hơn cả sự thay đổi?
Trong tình trạng cạnh tranh của toàn cầu hóa và thế giới "phẳng",
tư duy sáng tạo là một vũ khí vô cùng quan trọng cho sự tiến bộ của một cá
nhân, một doanh nghiệp hay một quốc gia. Chất xám và phần mềm sẽ là yếu tố
quyết định trên thương trường tự do. Giáo dục, đạo đức và môi trường văn hóa là
thành phần dinh dưỡng cho nền kinh tế mới.
Chương 2 - Đừng hoang tưởng
về một thế giới phẳng
Máy tính, internet, điện thoại di động và các dụng cụ công nghệ thông tin quả
đã tạo nên một cuộc cách mạng vĩ đại về kiến thức và thông tin. Nhưng thế giới
sẽ vẫn là thế giới ta đã biết suốt 5.000 năm lịch sử: rất nhiều cách biệt giữa
các tầng lớp xã hội: giàu và nghèo, học thức và vô học, đạo đức và bất lương,
thôn quê và thành thị, quốc gia phát triển và quốc gia nghèo đói. Thực sự, công
nghệ thông tin lại có khả năng làm gia tăng sự cách biệt này: người biết sử
dụng IT sẽ khôn khéo dùng lợi thế cạnh tranh này của mình để kiếm tiền, kiếm
quyền và đặc lợi nhiều hơn so với đám đông còn bỡ ngỡ.
Chương 3 - Trả lời 20 câu hỏi
của Young Enterpreneurs
* Young Enterpreneurs (YE): Lời khuyên ông muốn chia sẻ với các doanh nhân
mới?
- Kiểm tra sức khỏe: cả thế chất và tâm thần.
* YE: Điều gì mỗi doanh nhân cần phải luôn nhớ?
- Không bao giờ để cho cạn tiền.
* YE: Kẻ thù tồi tệ nhất của doanh nhân?
- Bản thân anh ta. Không ai có thể phá hoại chuyện làm ăn nhanh hơn chính bản
thân mình.
* YE: Một kinh nghiệm mà mỗi doanh nhân cần biết?
- Thất bại.
* YE: Lời khuyên dành cho những người mới giàu?
- Mọi thứ đều thay đổi.
* YE: Làm thế nào để giữ được bầu nhiệt huyết?
- Thay đổi suy nghĩ. Hành động.
* YE: Chiến lược tốt nhất trong cạnh tranh?
- Luôn tạo sự bất ngờ.
* YE: Lời cuối cho một doanh nhân đang gặp khó khăn?
- Giữ niềm tin. Đã đi ắt sẽ đến.
* YE: Trở ngại lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu?
- Các cơ chế quyền lực.
* YE: Những cá tính dẫn tới thành công cho ông?
- Tính kiên trì.
* YE: Thần tượng của ông là ai và tại sao?
- Hugh Hefner, người theo đuổi triết lý sống của bản thân và cho dù đã cực kỳ
giàu có thì ông vẫn là chính mình. (Hefner là sáng lập viên tạp chí Playboy vào
năm 1960 và được coi là ông tổ của cuộc cách mạng sex tại Mỹ và Âu Châu).
* YE: Điều ngu ngốc nhất mà ông đã làm?
- Mua một đồn điền cà phê ở Costa Rica
vì tôi thích cà phê và Costa
Rica. À, không, có lẽ là việc kết hôn.
* YE: Điểm không lường trước được của sự thành công?
- Chịu trách nhiệm cho rất nhiều người.
* YE: Lúc này ông đầu tư tiền ở đâu?
- Vàng.
* YE: Tài sản quý giá nhất của ông?
- Những đứa con trai.
* YE: Cách trả thù hay nhất?
- Sống khỏe mạnh và giàu có hơn đối thủ.
* Điều gì khiến ông dị ứng nhất?
- Sự ngu xuẩn.
* Và ông muốn ghi gì trên bia mộ?
- Tên "khốn kiếp" này sống lâu hơn mọi người.
Chương 4 - Không có bữa ăn
nào miễn phí
Chuyện xưa kể rằng có một vị vua Hy Lạp được tiếng là thông minh, đức độ,
cai quản một xứ sở thanh bình, an khang. Ông có một thư viện thu thập cả chục
ngàn xuốn sách suốt lịch sử văn minh loài người và có ước muốn chia sẻ những
kiến thức khôn ngoan này cho trăm họ.
Ông triệu 500 nhà thông thái nhất của quốc gia và yêu cầu họ cùng nhau ngồi
xuống tóm lược mọi "tinh túy văn hóa" của nhân loại vào một vài lời
dễ hiểu để mọi người dân cùng thấm thía đạo của trời và của người.
Sau hơn một tháng, 500 nhà thông thái đưa lên một văn bản 5 trang là công
trình tóm lược. Vị vua thấy vẫn còn quá phức tạp, dân thường không ai có thể
thấm nhuần được tư tưởng kiểu này. Sau đó là một tóm lược còn 3 trang, rồi 1 trang,
1 phân đoạn. Nhưng vị vua vẫn không vừa ý.
Cuối cùng ông cười hả hê khi vị đại diện trao cho ông cái túi khôn ngoan của
nhân loại trong một câu văn độc nhất: "Không có bữa ăn nào miễn phí
cả" (There is no free meal).
Chuyện ngày xưa kết thúc bằng sự thất bại của vị vua khi truyền bá học
thuyết "không có bữa ăn nào miễn phí". Người vi phạm luật đầu tiên là
bà hoàng hậu, rồi sau đó là các hoàng tử, công chúa, và quần thần. Ông vua thất
vọng, bỏ đi tu trên núi xa.
Chương 5 - Sau mỗi thời kỳ
vàng son
Nước Mỹ trong thập niên 1920 được biết đến bằng tên "The Roaring
Twenties" (Những năm hoan lạc của thập niên 1920). Thế chiến thứ Nhất vừa
chấm dứt và Mỹ hưởng lợi rất nhiều vì đã cho các nước thắng trận (Anh, Pháp)
vay những khoản tiền rất lớn cho chiến tranh, cũng như đã cung cấp vũ khí cho
cả hai bên với giá tốt. Nước Mỹ đang sửa soạn thay thế đế chế Anh trên khắp thế
giới vì sức mạnh tài chính của mình.
Những công nghệ mũi nhọn mới đem thế lực kinh tế và văn hóa Mỹ phủ khắp toàn
cầu trong khi châu Âu vẫn còn là đống tro hoang tàn vì chiến tranh, và châu Á
vẫn là các thuộc địa chậm tiến. Thị trường chứng khoán và địa ốc tăng trưởng đột
biến, người dân Mỹ ngoài thu nhập cao còn hưởng những khoản lời này nên cảm
thấy giàu có nhất thế giới. Dân quê ào ạt đổ về thành phố tìm sự giàu có,
"đô thị hóa" ở Mỹ thực sự bộc phát.
Cùng với nhân dân, Chính phủ Mỹ nới rộng tín dụng, giữ lãi suất thật thấp và
bắt đầu những công trình xây dựng hạ tầng khắp quốc gia. Xa lộ, đường sắt, xe điện
ngầm, nhà máy điện nước, cảng biển... mọc lên như nấm sau mưa. Giá cả mọi tài
sản trở thành... bong bóng, xa rời thực tế. Nợ công ngày càng chồng chất và lạm
phát bắt đầu quậy phá.
Ngày 29/10/1929, thực tế của thị trường ghé thăm. Wall Street sụp đổ với 13%
giảm sút trong chỉ số Dow Jones (lên đến 58% trong nhiều tuần sau đó, và 89%
vào 1931). Nước Mỹ kéo toàn thế giới vào cuộc Đại Suy Thoái suốt thập niên 1930
cho đến khi Thế chiến thứ Hai bắt đầu.
Lai Changxing là một nông dân nghèo của tỉnh Hạ Môn - Trung Quốc. Khởi
nghiệp bằng con số không, Lai đã thu góp được một tài sản khổng lồ hơn 16 tỷ đô
la Mỹ (theo cáo trạng của chính phủ) trong thời gian chưa đầy 5 năm. Lai đã
khống chế hoàn toàn các cơ quan công lực của Hạ Môn rồi trung ương, từ cảnh sát
đến hải quan, để tổ chức một mạng lưới buôn lậu xe hơi, dầu khí và thuốc lá khắp
nước. Sự sụp đổ của Lai là do Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Chu Dung
Cơ kết tội Lai, đồng thời dẹp tan thế lực hùng mạnh của phe nhóm Bắc Kinh. Lai
bị án tử hình, trốn được qua Canada; còn ở nhà, Thị trưởng Bắc Kinh và 4 nhân
vật cao cấp phải tự tử, gần 400 quan chức bị đưa ra tòa về vụ việc này gồm 2 bộ
trưởng, 26 tỉnh ủy, 86 huyện ủy, và kết quả có 14 án tử hình.
Trong suốt lịch sử thế giới, cái tệ hại nhất của mỗi thời kỳ vàng son là một
kết cuộc thảm thương cho mọi người dân. Bong bóng bao giờ cũng vỡ. Nợ quá tải
bao giờ cũng đáo hạn sớm hơn dự định. Người giàu thì phá sản vì lối kinh doanh
đòn bẩy phiêu lưu không còn thích hợp, người trung lưu thì trắng tay vì giá trị
tài sản biến mất, lay lắt bám víu vào một nền kinh tế khập khiễng. Các quan chức
chính phủ thì luôn luôn bó tay vì không hiểu chữ sáng tạo hay tiết kiệm là gì.
Chương 6 - Tư bản và dân chủ
Một công ty thường bao gồm hai thành phần: cổ đông (shareholders) và các người
liên quan tới quyền lợi công ty, gọi là nhà liên đới (stakeholders). Cổ đông là
những người góp vốn cho công ty, và nhà liên đới là những nhân viên, nhà cung
cấp, khách hàng, cơ quan chính phủ trong vòng trách nhiệm, ngay cả những cư dân
mà hoạt động của công ty có thể ảnh hưởng đến (như hàng xóm của một nhà máy hay
cơ quan xã hội địa phương).
Nếu những nhà liên đới này có quyền bỏ phiếu trong các đại hội thường niên
như các cổ đông, thì mục tiêu và chiến thuật của công ty sẽ thay đổi hoàn toàn.
Lợi nhuận có thể trở thành thứ yếu; và các phúc lợi dành cho các nhà liên đới
sẽ được ưu tiên phát triển. Nếu đây là mô hình kinh doanh, tôi đoán chắc là các
thị trường chứng khoán sẽ đóng cửa vì không nhà đầu tư nào muốn đem tiền riêng
của mình ra cho các nhà liên đới chơi trò kinh doanh dùm họ.
Đây cũng là lý do tại sao phần lớn các công ty Liên Xô, Đông Âu ngày xưa
cũng như các công ty quốc doanh bây giờ ở mỗi quốc gia trên thế giới đã thua lỗ
liên tục. Cha chung không ai khóc, tiền không phải do mồ hôi nước mắt mình kiếm
được thì sự tiêu xài lãng phí là hậu quả hiển nhiên. Nến kinh tế tài chính của
một quốc gia cũng tuân theo những quy luật này.
Ở đây tôi chỉ nhìn chủ nghĩa dân chủ trên khía cạnh kinh tế và ảnh hưởng của
nó trên lĩnh vực tài chính công. Dân chủ đã đem lại rất nhiều lợi ích khác trên
các vấn đề xã hội tự do, công bằng và pháp trị cho các xã hội Tây phương. Nhưng
nếu hỏi tại sao tư bản và dân chủ có nhiều nghịch lý, thì đây là nguyên nhân
căn bản.
Cũng trên khía cạnh kinh tế, ta có thể thấy sự tăng trưởng thành công của
kinh tế Trung Quốc là nhờ chính sách tư bản hóa hoạt động của các mảng kinh tế
tư nhân và mảng đầu tư từ nước ngoài. Hai mảng này chiếm đến 67% GDP và là hai
nhân tố tạo nên những thành quả phi thường, trong khi lĩnh vực quốc gia vẫn trì
trệ.
Sức mạnh của nền kinh tế tư bản thực sự dựa trên lòng tham lam của con người.
Có thể đây là một vấn nạn về đạo đức trên nhiều khía cạnh, nhưng thiếu sự tham
lam cơ hữu đã tồn tại hơn 5 ngàn năm qua, sự tăng trưởng kinh tế sẽ trì trệ và
mệt mỏi.
Chương 7 - Con voi Trung Quốc
Tôi sống và làm việc ở Hồng Kông và Thượng Hải liên tục từ năm 1999. Câu hỏi
thường xuyên phải đối diện từ các doanh nhân nước ngoài là: "Ông đánh giá
thế nào về kinh tế của Trung Quốc cũng như tình hình kinh doanh?". Những
lúc đó, tôi luôn nghĩ đến câu chuyện những anh thầy bói mù sờ voi để tìm một từ
chính xác mô tả hình thù của con voi.
Thủ tướng Anh - ngài Benjamin Disraeli đã phê bình về những tranh luận chính
trị: "có 3 loại nói láo: nói láo, nói láo khốn kiếp và... số liệu thống kê”
(lies, damned lies, and... statistics). Sự thật và nửa sự thật (half-truth) có
thể tương phản nhau như đêm và ngày. Việc sử dụng các con số thống kê để phù
hợp với mục đích tranh luận của mình đã trở thành một thói quen đáng ngại trên
khắp thế giới.
Anh bạn người Trung Quốc - là Trưởng Sở Thống kê vùng Tây Dương Tử tâm sự
là, những giờ phút căng thẳng nhất của đời anh và các nhân viên thuộc hạ là
những ngày phải nộp báo cáo thống kê cho trung ương sau khi thu nhận và tổng
kết các con số từ các địa phương, vì "các con số "chửi nhau"
thậm tệ".
Một yếu tố quan trọng nữa của kinh tế Trung Quốc mà mọi người chỉ phỏng đoán
là nền kinh tế ngoài luồng: Cho đến thời điểm này, người dân Trung Quốc vẫn
chuộng giữ tiền tiết kiệm lâu dài bằng vàng, đô la hay địa ốc thay vì gửi ngân
hàng; chỉ có 62% doanh nhân báo cáo về lợi tức thu nhập với Sở Thuế (và có lẽ
90% trong số này là những báo cáo sai lệch); nạn tham nhũng tạo ra những luồng
tiền khổng lồ cần rửa sẽ không nằm trong các dữ liệu thống kê chính thức. Rồi
thực trạng "tín dụng đen", quyền tự trị của các địa phương...
Tóm lại, nếu phân tích tình hình kinh tế Trung Quốc theo các dữ liệu, số
liệu thống kê và dựa trên những mô hình, phương thức đã học từ các đại học Âu
Mỹ, thì xác suất sai lệch rất đáng kể.
Cảm nhận chủ quan của tôi thì Trung Quốc là một thị trường có sức tăng
trưởng GDP hay FDI lớn hơn những con số tăng trưởng chính thức nhiều. Do đó,
khi quỹ Viasa của chúng tôi đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc, chúng
tôi phải quên đi định lý đầu tư thành công vượt bậc của Warren Buffet: quan
trọng nhất là giá trị cơ bản lâu dài của các công ty. Chúng tôi hiểu rằng trực
giác và chủ quan trong những phân tích nhận định về các đơn vị này không đủ
chính xác để làm căn cứ cho những đầu tư lâu dài. Chúng tôi đã đầu tư vào nhiều
chứng khoán và công ty ở Trung Quốc, nhưng hoàn toàn ngắn hạn và dùng kỹ thuật
lướt sóng cùng các nguồn tin ngoài luồng để quyết định.
Bạn không cần biết hình thù của con voi, nhưng bạn có thể nghe tiếng chân nó
chạy và đoán hướng đi. Nếu bạn đúng, bạn cũng vẫn có thể kiếm được tiền với con
voi Trung Quốc. Nếu bạn sai, con voi sẽ giẫm nát bạn.
Chương 8 - Con ve và đàn kiến
Con ve chỉ thích ca hát suốt các ngày hè tươi đẹp, còn đàn kiến cần cù lo chuyển
chỗ dự trữ lương thực và xây tổ đề phòng cho những ngày đông lạnh giá. Con ve
thật sự tỉnh ngộ và cay đắng khi sau đó phải đến tổ kiến để xin ăn và chỗ ở.
Chuyện “con ve và đàn kiến” của La Fontaine là một mô hình luân lý của tính
khôn ngoan, ham làm việc và biết lo xa của đàn kiến so với những thói hư tật
xấu của loài ve ham chơi.
Nhưng liên quan giữa kiến và ve có một hệ số mới của thời hiện đại: để tiếp
tục tăng trưởng và tạo công ăn việc làm cho đàn kiến, các kinh tế “kiến” đã phải
cho các quốc gia “ve” vay nợ rất nhiều để ve tiếp tục tiêu thụ hàng hóa của
kiến. Đến lúc này, ve không còn nhiều khả năng trả nợ và đàn kiến lại thực sự
có vấn đề. Tiếp tục cho vay thì tờ giấy nợ sau này sẽ bị mất giá trầm trọng; mà
không cho vay, thì nền kinh tế của mình bị suy sụp thảm hại vì không xuất khẩu
được.
Dĩ nhiên đây là nguyên tắc mà các doanh nhân đều biết rõ: nếu bạn nợ ngân
hàng vài trăm triệu đồng thì đây là vấn nạn của bạn; nhưng nếu bạn nợ ngân hàng
vài ngàn tỷ đồng thì đây là vấn nạn của ngân hàng.
Chương 9 - Chỉ số hạnh phúc
Nếu nhìn vào bản đồ về mức độ hạnh phúc đã được một số tổ chức nghiên cứu độc
lập công bố trong những năm gần đây, có thể thấy một nghịch lý thú vị: người
dân tại nhiều quốc gia nghèo cảm thấy hạnh phúc hơn người dân ở các quốc gia
phát triển.
Hồng Kông có khoảng 200.000 - 300.000 người giúp việc đến từ Philippines. Cứ
mỗi Chủ nhật, những người này thường tụ tập ở khắp các công viên trung tâm để
thư giãn và gặp gỡ trò chuyện với đồng hương. Mười năm trước, các giáo sư ở
Hồng Kông Polytechnic đã làm một cuộc khảo sát mức độ hạnh phúc, hài lòng với
cuộc sống trong cư dân. Thú vị ở chỗ, trong giới giúp việc đến từ Philippines,
hơn 90% người được hỏi cho biết họ rất hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống. Ngược
lại, các ông bà chủ người Hồng Kông chỉ có chừng hơn 50% người được hỏi có cảm
giác hạnh phúc, hài lòng.
Nếu ở Philippines, cho dù rất cần cù, mỗi người trong bọn họ chỉ có thể kiếm
được 100 - 150 đô la Mỹ trong 1 tháng, cuộc sống khá eo hẹp, vất vả, nên họ khó
thể hạnh phúc được. Sang Hồng Kông, cho dù là đi làm giúp việc, nhưng họ lại có
cơ hội kiếm được tới 500 - 700 đô la /tháng. Mức thu nhập đó cao hơn hẳn nên
đương nhiên họ cảm thấy hạnh phúc, lạc quan.
Tiếc rằng, những nhà khảo sát đã không hỏi thẳng những ông bà chủ người Hồng
Kông đó có muốn đánh đổi đời sống bất hạnh cua họ lấy đời sống hạnh phúc của
người giúp việc không. Nếu có, tôi chắc chắn 100% sẽ nói không. Còn nếu hỏi
ngược lại những người giúp việc hạnh phúc có muốn trở thành những ông bà chủ
bất hạnh không thì sẽ có đến 90% sẽ trả lời là có. Thành ra, việc đánh giá mức
độ hạnh phúc, lạc quan chỉ là một đo lường hết sức trừu tượng.
Chương 10 - Khi lãnh tụ biết
cười mình
Nếu có một học giả nào tìm sự liên quan giữa chỉ số hạnh phúc của người dân và
khả năng biết cười của các lãnh tụ xứ họ, kết quả sẽ là một tỷ lệ thuận minh
chứng qua suốt bao thời đại.
Obama nói về một câu chuyện khôi hài đang thịnh hành trên mạng: Trong một
buổi sáng chạy bộ ở Alabama,
ông Obama chẳng may bị rớt xuống con sông sâu đang cuồn cuộn chảy. May sao, có
ba đứa trẻ đang câu cá dưới dòng sông nhanh trí dùng cành cây vớt ông lên.
Obama hỏi, "Tôi làm được gì cho các ân nhân đã cứu mạng tôi đây?".
Đứa trẻ đầu mong được thăm Tòa Bạch Ốc và ngủ đêm tại đó. Đứa thứ nhì mong ông
Obama đến lớp học của mình, bắt tay các bạn đồng lớp. Obama nói quá dễ dàng,
ông sẽ làm như vậy. Còn đứa thứ ba thì lại xin ông một chiếc xe lăn, có gắn
iPod, iPad và TV 3-D để cậu ta giải trí. Obama nói ông không hiểu, em đang khỏe
mạnh thế này, sao lại muốn ngồi xe lăn? Cậu ta đáp: "Bây giờ thì khỏe,
nhưng sau khi cha tôi biết tôi là người đã cứu sống ông, thì chắc chắn cha sẽ
bẻ gãy giò của tôi".
Có một câu chuyện thú vị về cựu Tổng thống Bush: Khi ông đi thăm một lớp tiểu
học, cô giáo hỏi các học trò: "Mình đang học về thảm kịch. Em nào cho tôi
một thí dụ". Một em nhanh nhảu: "Em chạy ra đường chơi và bị xe đụng".
"Không, đó là một tai nạn, không phải thảm kịch". Một em khác: "Xe
buýt của trường rơi xuống hố và nhiều học sinh bị tử nạn". "Đó là một
mất mát lớn lao, nhưng chưa phải là thảm kịch". Đứa thứ ba giơ tay: "Khi
Tổng thống Bush rớt máy bay chết". "Đúng rồi, nhưng đâu là lý do em nghĩ
đây là thảm kịch?". "Vì chắc chắn nó không phải là một tai nạn, hay
là một mất mát lớn lao".
Ông Clinton thì mỗi đêm bị các danh hài trên TV đem ra chế giễu về tật thích
lăng nhăng với phụ nữ. Trước mặt ông, nhà phỏng vấn Jay Lano kể một khảo sát
của viện thống kê Gallup về câu hỏi đặt ra cho
các phụ nữ: "Cô có chịu ngủ với Tổng thống Clinton?". Kết quả: 1% nói
"yes", 2% nói "no" và 97% nói "never again" (không
thể có lần khác).
Trong suốt lịch sử 200 năm của Mỹ, những chuyện cười về tổng thống hay
chuyện cười do các ông kể có thể chứa đầy cả ngàn trang sách. Không ai có một
ảo tưởng mình là thần thánh phải được tôn vinh và thờ phụng. Ngay cả một khai
quốc công thần như Washington
cũng đầy những chuyện vui buồn về lỗi lầm, hối tiếc hay ngu xuẩn của cá nhân
cũng như của chính phủ do ông lãnh đạo. Mọi thành tựu cũng như thất bại, lầm
lẫn... đều được mổ xẻ chi tiết bởi nhiều học giả, bây giờ và tương lai, ngay cả
trong những chuyện riêng tư của đời sống cá nhân.
Khả năng biết tự giễu mình được đánh giá cao vì nó tạo sự gần gũi giữa nhà
lãnh đạo và người dân thường.
Chương 11 - Một người làm
quan cả họ được nhờ
Hiện tượng này đã tồn tại suốt 10 ngàn năm trong lịch sử nhân loại, qua mỗi thời
đại và không gian. Từ vị vua chúa ở đỉnh cao đến ông trưởng thôn ở một quận hẻo
lánh, lợi dụng quyền lực của mình để gia đình cùng hưởng lợi, nhất là vợ con,
đã trở thành một thói quen như ăn uống hay giải trí.
Ngay cả ở những quốc gia dân chủ văn minh Âu Mỹ, các quan chức và gia đình
quyền lực vẫn tìm đủ mọi khe hở của pháp luật để phát huy quyền hành và đặc
lợi. Sự tham lam không bao giờ chịu ngưng ở một thế hệ.
Ngay cả một nước dân chủ tự do như Mỹ, ông George W.Bush đã dùng bộ máy
tranh cử và cố vấn của cha để tranh cử và đắc cử Tổng thống vào năm 2000 và
2004. Trong lịch sử Mỹ, dù không kế vị trực tiếp, nhưng Tổng thống John Wuincy
Adams là con của cựu Tổng thống John Adams. Những gia đình khác có sự tập trung
quyền lực chính trị nổi tiếng của Mỹ là gia đình Kennedy ở Massachusetts,
gia đình Daley ở Chicago, gia đình Brown ở California... Nhưng phải
công bằng mà nhận định là các người con chính trị gia ở Mỹ phải trải qua những
kỳ vận động tranh cử rất mệt nhọc để kiếm phiếu từ người dân, chứ không được
trao vương miện bằng một sắc lệnh như tại các xứ khác.
Chương 12 - Bỏ cuộc trước khi
tới đích là thất bại
Trong hơn 40 năm đi làm, tôi chưa thấy một trường hợp nào thành công một
cách êm thắm. Ông Eisenberg - Chủ tịch Tập đoàn Eisenberg có nói một câu mà tôi
nhớ hoài: "Khi anh bị té thì cố gắng ngửa mặt lên. Chừng nào anh còn ngẩng
mặt lên thì anh còn có thể trỗi dậy". Thực tế là tôi cũng đã một vài lần
trắng tay, nhưng không xem đó là thất bại.
Với tôi, bỏ cuộc trước khi tới đích là thất bại. Tôi chưa bỏ cuộc nghĩa là
tôi chưa thất bại.
Tôi quan niệm một người thành công trong cuộc sống phải hội đủ sáu yếu tố. Thứ
nhất là có sức khỏe. Thứ hai, trí tuệ đầy đủ. Thứ ba, tinh thần mạnh mẽ, sáng
suốt. Thứ tư, tâm linh mình được thanh nhàn, êm ả, hòa hợp với vũ trụ, với đấng
tối cao nào đó. Thứ năm, trả ơn xã hội bằng những đóng góp thiết thực. Sau
cùng, có tài sản vật chất đầy đủ. Thiếu bất kỳ yếu tố nào trong sáu yếu tố này
thì chưa phải toàn vẹn.
Chương 13 - Những cách mất
tiền khi ra biển lớn
Tôi còn nhớ một trải nghiệm kinh hoàng về biển lớn. Tôi được một đại gia mời
ra khơi đi Bermuda trên một du thuyền khá lớn trong một ngày đẹp trời vào năm
2002, khởi hành từ Key West,
Florida. Giữa đường, một cơn sóng
kỳ dị cao 20 mét đánh vào thuyền, gây nhiều thiệt hại, suýt lật và đưa thuyền
chúng tôi đi lạc hướng đến gần bờ biển Cuba. Sau cùng, chúng tôi được trực
thăng của US Coast Guard cứu và đưa về lại Miami. Tất cả xảy ra trong một ngày nắng đẹp,
không bão tố, không gió lớn, thật bất ngờ.
Tôi liên tưởng đến những tai nạn có thể xảy đến khi một doanh nghiệp Việt Nam tìm ra biển
lớn (thị trường quốc tế). Chúng tôi thoát hiểm nhờ du thuyền thuộc loại lớn và
có một thuyền trưởng giàu kinh nghiệm quen thuộc với khu vực Caribbean.
Nếu tôi ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ, mong manh, tay lái không vững, thì có
lẽ đã làm mồi cho đủ mọi loại cá. Hay nếu đi vào những cơn bão với sóng to gió
lớn, liệu thuyền mình có chống chọi nổi?
Do đó, tôi không ngạc nhiên khi đọc các bài báo gần đây về những "tai
nạn" khiến rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam mất tiền khi ra biển lớn. Những
thưa kiện với những thủ tục và luật lệ quốc tế phức tạp có thể làm điên đầu một
tập đoàn đa quốc gia nhiều kinh nghiệm, quản lý bài bản; do đó, rất dễ dàng
nhấn chìm một vài doanh nghiệp cỡ lớn của Việt Nam, nhất là khi ban quản lý lại
cẩu thả, coi thường những rắc rối pháp lý. Khi ra biển lớn, không hiểu luật lệ,
tự tin vào những phán đoán chủ quan của mình là sẽ đối diện, không sớm thì muộn
với những hiểm họa sống còn.
Có 1.001 cách mất tiền ở biển lớn, từ bị lừa đảo đến bị thua kiện. Nhiều vụ
việc không thể tránh được, nhưng nếu doanh nhân biết thay đổi tư duy và phương
thức quản lý của mình thì sẽ giảm thiểu tối đa những rắc rối về pháp lý hay
những tình huống "ngậm đắng nuốt cay".
Nhiều doanh nhân Việt Nam
rất hồ hởi khi chi tiêu ăn nhậu hay bỏ tiền mua quà cáp, nhưng lại rất keo kiệt
khi phải trả tiền phí tư vấn. Phần lớn xem các chuyên gia tư vấn là những người
bán nước bọt. Tư duy này sẽ thu hẹp sự hiểu biết và các quan hệ cần có khi giao
tiếp với đối tác hay khách hàng nước ngoài.
Mỹ là quốc gia có nhiều luật sư nhất trên tỷ lệ đầu người (1 trong số 200 người
lớn là luật sư) cho thấy sự phức tạp của luật lệ và tính "hở ra là kiện"
của người Mỹ.
Ở Trung Quốc và các quốc gia đang mở mang khác, rắc rối về pháp lý mang hình
thức tinh vi hơn. Ở những nơi này, luật lệ mơ hồ, các quan chức tha hồ diễn
giả, và bạn sẽ chắc chắn thua kiện nếu họ muốn gây khó khăn cho công ty của bạn.
Do đó, bạn cần những tư vấn về pháp lý rất chuyên biệt mỗi khi ký một hợp
đồng, ra một quyết định có ảnh hưởng đến đối tác hay khách hàng nói chung, khi
làm bất cứ một chuyện gì hơi quan trọng.
Không chịu chi phí cho tư vấn và làm mọi chuyện theo suy nghĩ chủ quan của
mình là mời gọi những tranh tụng không cần thiết.
Mỗi quốc gia tuân thủ những thủ tục pháp lý và luật lệ khác nhau, nên không thể
có một quy tắc đồng nhất nào cho mọi thị trường trên biển lớn. Người địa phương
- dù là đối tác, đối thủ hay nhân viên dưới quyền, sự hiểu biết của họ về những
rắc rối trong môi trường kinh doanh vẫn cao hơn chúng ta rất nhiều.
Quốc gia, dân tộc nào cũng có kẻ xấu người tốt, dân làm ăn lương thiện và
dân phi pháp, người quản lý bài bản bền vững và dân chụp giật vô dâm. Đừng để
những hấp dẫn bề ngoài làm xao nhãng việc điều tra sâu kỹ về bất cứ một đối
tác, tư vấn hay nhân viên quan trọng nào.
Tại Mỹ, những công ty thám tử tư chuyên về điều tra doanh nghiệp như Kroll,
Rehmann... chứa đầy vài trang niên bạ điện thoại. Tốn vài nghìn đô la để hiểu
rõ mọi đối tác là cái giá bảo hiểm rẻ, so với những hậu quả tệ hại có thể xảy
đến. Trong những giao tiếp sơ khởi, thì Google, Bing, Yahoo Search là điều phải
làm.
Người Việt Nam
rất bén nhạy và thông minh. Tuy vậy, với một nền kinh tế tài chính đã toàn cầu
hóa, sự gia nhập và phối hợp của các phần tử tội ác từ khắp thế giới đã thành
một vấn nạn lớn, không những cho các cơ quan cảnh sát, mà còn ảnh hưởng đến mọi
doanh nhân khắp nơi.
Khi làm ăn tại nước ngoài, đừng ham những lợi nhuận cao ngất trời (chứng tỏ
sự hoang tưởng) mà mắc bẫy những trò lừa gạt này.
Trên hết, để tránh mất tiền vì những tranh tụng thì nguyên tắc hữu hiệu nhất
là cách giao tiếp trong tôn kính và coi trọng những quyền lợi của đối tác,
khách hàng và ngay cả đối thủ. Luôn bắt đầu bằng cách coi các than phiền và
khiếu nại là "đúng"; rồi nghiên cứu kỹ lại vấn đề, với sự tham dự của
các tư vấn, để nhìn rõ về việc phải làm và việc không thể làm. Nếu có bị thiệt
hại đôi chút, hay mất chút sĩ diện, nên sẵn sàng chấp nhận để vụ việc trôi qua.
Về lâu dài, đây vẫn là những lối mất tiền ít nhất.
Khi còn trẻ, tôi đã ngang ngạnh chống lại một cơ quan chính phủ đầy quyền
lực là Sở Chứng khoán Mỹ (SEC). Dù tôi được thỏa mãn tự ái là mình “đúng” khi
thắng kiện, nhưng hậu quả là công ty Hartcourt bị mất gần 400 triệu đô la thị
giá, chưa kể những phí tổn pháp lý đến hơn 5 triệu đô la và 7 năm kiện cáo. Tôi
đã làm kiệt quệ công ty vì cái “tôi” quá lớn của mình. Trong khi đó, nếu tôi
chịu nhận lỗi (dù vô lý) và trả tiền phạt, chỉ mất 500 ngàn đô la và giải quyết
vấn đề trong 3 tháng. Một bài học vô cùng quý báu về rắc rối pháp lý.
Ra đấu trường quốc tế, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều kỹ năng bài bản từ
những doanh nhân siêu việt, sáng tạo và năng động; cũng như những siêu sao
lường gạt rất tinh vi. Điều duy nhất phải nhớ là “cảnh giác cao độ” và đừng để lòng
tham làm mờ mắt.
Người Mỹ có câu “Nếu đề nghị quá tốt như mơ ước, thì đó chỉ là mơ ước” (If
it’s too good to be true, then it is). Ai cũng mất một ít tiền và bị gạt trên
bước đường kinh doanh, nhưng người khôn ngoan là đừng để những trải nghiệm cay
đắng này biến thành thói quen.
Chương 14 – Các cuộc chiến
sắp xảy ra
Có một điều chắc chắn là với việc liên tục tìm cách phá lợi thế cạnh tranh của
nhau bởi các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc, thì những ngày hưng phấn
của chủ nghĩa thương mại tự do toàn cầu với các thỏa thuận của WTO sẽ không còn
nữa. Các nước, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, sẽ bắt đầu bảo vệ thị phần của
mình và tung ra mọi dạng cơ chế phòng thủ nhằm hạ gục đối thủ.
Các cuộc tranh cãi, những vụ kiện cáo, những rào cản không chính thức, những
thao túng tỷ giá tiền tệ sẽ trở thành một điều bình thường mới. Thương mại tự
do không chết, nhưng nó sẽ đi giật lùi vài bước. Phải có đột phá mạnh về công
nghệ mới giúp tránh hoặc giảm nhẹ thách thức này.
Thực tế mới sẽ không giúp Mỹ hay châu Âu giành lại chiếc vương miện siêu
cường kinh tế của mình. Các yếu kém cố hữu trong cấu trúc xã hội của họ quá lớn
nên khó có thể giải quyết (sự phát triển chín muồi của nền kinh tế, nhu cầu
tiêu dùng lãng phí, chi tiêu chính phủ quá cao, các chương trình phúc lợi xã
hội quá nhiều…). Tuy nhiên, kết quả của cuộc chiến tranh trong tương lai cũng
sẽ làm chậm lại sự phát triển của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) là
Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc và khiến họ phải quay lại
với giải pháp hướng nội.
Trong khi đó, có một dòng tiền cực lớn được tích tụ trong thời gian thịnh
vượng đã qua và đang tìm kiếm một lợi nhuận tốt. Chúng sẽ đổ vào đâu? Vàng và
kim lại quý sẽ được lợi, vì truyền thống tích trữ vàng trong những thời điểm
bấp bênh. Giá bất động sản quá rẻ tại các nước đã phát triển ổn định sẽ là một
đầu tư hấp dẫn.
Trong khi thị trường chứng khoán và trái phiếu sẽ trì trệ, các công ty có công
nghệ triển vọng hay năng lực marketing cao sẽ là những viên ngọc hiếm. Nguyên
liệu và nông hải sản sẽ ổn định: lượng cầu chậm lại nhưng tăng trưởng về thu
nhập và dân số thế giới sẽ tiếp tục. Các cổ phiếu của thị trường mới nổi sẽ
sinh lời tốt trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ kết thúc bằng sự nổ tung của
bong bóng.
Chương 15 - Thiếu can đảm,
nhiều người bỏ cuộc quá sớm
Tôi khám phá ra rằng sức chịu đựng và tinh thần sáng tạo của doanh nhân khi đối
diện với khó khăn và vực thẳm của phá sản trở nên sắc bén kỳ diệu hơn mọi hình
dung. Vì thiếu can đảm và kiên trì, nhiều người đã bỏ cuộc sớm.
Có 5 yếu tố căn bản của sự thành công trên thương trường: 1/ động lực hay
ngọn lửa bên trong; 2/ thời gian và nỗ lực; 3/ sức khỏe để chịu đựng; 4/ hành
động, chấp nhận rủi ro; và 5/ kinh nghiệm và quan hệ. Còn có yếu tố may mắn mà
chúng ta không định lượng được.
Doanh nhân Việt chia sẻ nhiều đặc thù với doanh nhân Trung Quốc vì những
điều kiện tương tự về văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế. Trung Quốc mở cửa
thị trường trước ta 15 năm, nên doanh nhân của họ tích tụ nhiều kinh nghiệm
hơn. Tôi chỉ hơi tiếc là có rất nhiều bài học hay dở của họ mà chúng ta không
nghiên cứu để tìm một lối đi riêng của mình.
Tôi đã sống và làm việc tại Trung Quốc hơn 14 năm nên tôi hiểu rõ quan niệm kinh
doanh của người Trung Quốc. Vào thập niên 70, doanh nhân Trung Quốc còn nghèo
và thiếu hụt đủ thứ, nên họ hồ hởi mở rộng mọi cánh cửa đón chào doanh nhân
nước ngoài. Hiện nay, họ đã có vốn, chỉ thiếu công nghệ mũi nhọn và thương hiệu
quốc tế, nên đây là hai lĩnh vực duy nhất họ mời chào. Không có hai món này,
các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hứng chịu rất nhiều rào cản xã hội và thủ tục pháp
lý, từ địa phương đến trung ương, để bảo đảm họ sẽ thua các đối thủ Trung Quốc.
Tinh thần lạc quan có thể ảnh hưởng đến những kết quả kinh doanh, nó có thể
gây ra nhiều tác động tiêu cực cũng như tích cực. Tôi nghĩ, mọi doanh nhân nên
chú tâm đến việc đào tạo kỹ năng, kinh nghiệm và kế hoạch của mình hơn là tùy
thuộc vào những yếu tố ngoài tầm kiểm soát.
Cùng đối diện với một tình thế, nhận thức của mỗi người cũng rất khác biệt,
thể hiện qua câu chuyện khôi hài sau: Bà mẹ tố cáo nàng dâu với con trai:
“Trong khi mày đi làm xa, con vợ mày ở nhà quá sức lăng loàn. Nó ngủ với hơn
nửa đàn ông của thị trấn này”. Sau khi trầm ngâm suy nghĩ, người con trả lời:
“Nghĩ cho cùng, thị trấn này cũng không lớn lắm”.
Chương 16 – Một cái nhìn khác
về con người Alan Phan
* Những đầu tư lớn nhất của ông hiện nay nằm ở lĩnh vực nào?
- Quỹ Viasa của gia đình tôi và một số gia đình khác chia đều 50% vào các tài
sản ngắn hạn, nhiều thanh khoản như tiền mặt, chứng khoán, trái phiếu, hợp đồng
nguyên liệu. Còn 50% thì đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ đang hoạt động tốt
với tư cách cổ đông chiến lược, để giúp họ phát triển và tăng giá trị, nhất là
trong lĩnh vực tài chính và thị trường quốc tế. Thời gian đầu tư khoảng 2 đến 5
năm.
* Nghe nói ông cũng đã đầu tư vào Việt Nam?
- Tôi có đầu tư hơn 1 triệu đô la Mỹ vào Vinabull, một công ty viết phần mềm và
tạo dữ liệu cho những nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam. Sau 4 năm, công ty vẫn lỗ
nặng. Cùng với các đầu tư nhỏ lẻ cho bạn bè, bà con từ 1991 (lần đầu khi tôi về
nước), tôi đã đầu tư vào Việt Nam hơn 2 triệu đô la Mỹ. Và 2 năm qua, số tiền
tôi thu lại được là 12 triệu… Việt Nam đồng (là bút phí trả cho các
bài viết).
* Do đó, Việt Nam
là một kinh nghiệm xấu về đầu tư?
- Thực ra, số tiền nói trên quá nhỏ để rút ra một kết luận gì. Trong thời gian
đầu tư, tôi không có thì giờ để quản lý, vì bận rộn với những đầu tư quan trọng
hơn ở Trung Quốc và Âu Mỹ, nên dù thất bại, tôi cũng không nghĩ đó là một kinh
nghiệm xấu. Tôi vẫn còn đang nghiên cứu và phân tích về cơ hội đầu tư ở đây.
* Người ta thường nói, nếu làm không được thì đi dạy vậy?
- Với thành quả đạt được trong 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ dám
mở miệng “dạy” ai điều gì về nghệ thuật kiếm tiền. Thực tình, tôi khá xấu hổ
khi so sánh với ông bầu Đức, cũng bắt đầu vào năm 1991 với chiếc xe ôm, bây giờ
đã thành tỷ phú đô la. Cũng như ông Vượng của Vingroup, từ một sinh viên mới ra
trường khoảng thời gian đó, hay ông Tuyển Tuần Châu, một công nhân của Sở Công
viên thành phố, bây giờ đều là tỷ phú cả. Đây là những thiên tài về kiếm tiền,
tôi cũng muốn đi học họ mà không ai chịu dạy.
* Những lời khuyên cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp kinh doanh?
- Với những bạn kém may mắn đang đấu tranh vất vả đề tìm sự nghiệp hay cơ hội
kinh doanh, hãy tin vào con người thực và định mệnh của mình. Phải kiên trì,
biết đứng dậy và tiếp tục đi tới khi vấp ngã. Không ai có thể từ chối mãi một
con người có ý chí. Với những bạn nhiều may mắn, có đầy đủ vật chất và phương
tiện, hãy cố gắng hơn nữa với trí tuệ sáng tạo và tinh thần thanh cao. Nghĩ đến
những người kém may mắn, tập cách chia sẻ và hành xử mọi chuyện với chuẩn mực
đạo đức và văn minh. Những kẻ xấu có thể đang thắng, nhưng cuối cùng, thế giới
sẽ thuộc về những con người thiện tâm và hài hòa.
Chương 17 - Niêm yết sàn Mỹ -
ra biển lớn trước khi có bão
Niêm yết trên sàn Mỹ, theo cảm nhận của tôi, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa
sẵn sàng. Những điều kiện để tìm vốn bằng cách phát hành cổ phiếu hay trái
phiếu nghe qua thì khá dễ dàng, nhưng cho đến nay, vẫn chưa một doanh nghiệp
Việt Nam nào thực hiện được mục tiêu này. Vì bốn lý do chính:
1/ Tư duy của ban quản lý. Những nguyên tắc căn bản không thể thiếu được khi
lên sàn Mỹ: Minh bạch (transparency), trung thực và khai báo đầy đủ (full
disclosure), kỷ cương đạo đức của công ty và cá nhân ban quản lý (corporate
govermance); nhất là những mâu thuẫn lợi ích (conflitct of interest).
Không có một tư duy điều hành công ty theo đúng đòi hỏi về luật lệ và chuẩn
mực của SEC (cơ quan Chứng khoán Mỹ), của cổ đông, của nhà phân tích đầu tư,
của thị trường… thì sớm muộn gì, doanh nghiệp cũng thất vọng với sàn Mỹ.
2/ Chuyện niêm yết và chuyện bán cổ phiếu. Chuyện niêm yết trên sàn Mỹ thực
sự khá dễ dàng, bạn chỉ cần một bản cáo bạch có luật sư chuyên về chứng khoán và
một kiểm toán gia có tên trong danh sách của PCAOB ký nhận là SEC sẽ chấp nhận.
Không một đòi hỏi nào khác về doanh thu, lợi nhuận, lịch sử doanh nghiệp, giấy
phép đặc biệt hay những gì khác.
Tuy nhiên, không như ở Việt Nam
hay Trung Quốc, chuyện bán được cổ phiếu cho các nhà đầu tư lại là một chuyện
vô cùng khó khăn. Toàn thế giới có khoảng 36.000 cổ phiếu đủ loại (sàn Mỹ có
hơn 12.000) để các nhà đầu tư lựa chọn. Bạn phải có một lý do khá độc đáo để
thuyết phục nhà đầu tư mua cổ phiếu của công ty bạn thay vì Google hay Apple.
Ngoài ra, với những công ty vừa và nhỏ (SME), nếu thị giá của bạn không cao
hơn 1 tỷ đô la, hay lớn hơn 3 đô la/cổ phiếu, phần lớn các quỹ đầu tư công
chúng (mutual funds) sẽ không được phép mua, dựa trên điều lệ của quỹ.
3/ Phí tổn để được tiếp tục niêm yết. Với một công ty nhỏ, giản dị, phí tổn
hàng năm cho các luật sư và nhà kiểm toán cũng phải hơn 150.000 đô la, chưa kể
những chi phí về IR-PR, tư vấn tài chính, phí để lưu trữ hồ sơ đầu tư, phí đăng
ký với các cơ quan chính phủ… Một công ty có chừng 10 công ty con, phải nhân
lên gấp 5 lần số tiền nói trên.
4/ Vai trò của các tư vấn. Vì không thể mướn đủ nhân viên để lo cho mọi đòi
hỏi của việc niêm yết và bán cổ phiếu (lương bên Mỹ rất đắt), nên bạn phải sử
dụng đến nhà tư vấn độc lập. Sau đó phải nhắc nhở ban quản lý cộng tác chặt chẽ
với họ để đạt hiệu quả cho mục tiêu. Ham tiết kiệm khoản chi phí này, đôi khi
sẽ dẫn đến hậu quả trái ngược.
Ngoài 4 yếu tố căn bản trên, đây là những vấn đề khác phải suy nghĩ về việc
niêm yết sàn Mỹ:
- Công ty tư nhân lớn nhất của Việt Nam là Ngân hàng Á Châu (ACB) có doanh
thu khoảng 900 triệu đô la có thể được xếp hạng là công ty nhỏ (smallcap). Còn
các công ty khác thường thuộc loại siêu nhỏ theo tiêu chuẩn Mỹ. Khi đầu tư vào
các công ty nhỏ, các nhà đầu tư quốc tế thường chọn những cổ phiếu có tính đột
phá mạnh và có lợi thế về công nghệ với khả năng phủ hàng khắp thị trường toàn
cầu. Các ngành nghề được ưa thích là công nghệ IT, sinh hóa học (biotech), năng
lượng xanh, dược phẩm, truyền thông trên mạng hay các công ty có sức sáng tạo
độc đáo. Các ngành nghề không ai muốn đầu tư là xây dựng hay địa ốc, sản phẩm
tiêu dùng, nhà máy sản xuất hàng thông dụng hay các dịch vụ không thể phát triển
ngoài nội địa.
- Các nhà đầu tư vào các công ty SME thường có tính phiêu lưu giống như các
quỹ mạo hiểm. Họ không có một chiến lược lâu dài (hơn 3 năm), và không kiên
nhẫn để chờ đợi kết quả (với giá cổ phiếu). Do đó, khi chọn đây là khách hàng
mục tiêu, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh các hoạt động thiên về M&A để
phát triển nhanh chóng, tạo thanh khoản và làm tăng giá cổ phiếu.
- Gần đây, các cổ phiếu SME của Trung Quốc bị khám phá là có nhiều vấn đề về
khai báo và đang tạo ra một tiếng xấu tệ hại (tương tự vấn đề an toàn thực phẩm
của Trung Quốc). Những bùa phép thủ thuật để lèo lái cổ phiếu cũng như đạo đức
cá nhân của các nhà quản lý đang bị phơi trần hằng ngày, cùng với lời kêu gọi
SEC phải “mạnh tay” hơn trong việc xử lý các vi phạm của doanh nghiệp Trung
Quốc. Vì sự thiếu hiểu biết, giới tài chính Âu Mỹ thường cho Việt Nam và Trung
Quốc là “cá mè một lứa”, nên ảnh hưởng xấu này có thể làm hại đến cơ hội lên
sàn Mỹ của các công ty Việt Nam.
Chương 18 - Kẻ cắp gặp bà già
Trong những xứ sở đã phát triển có tình trạng tiêu xài bê bối nhất là từ
chính phủ đến người dân phải kể đến Hy Lạp.
Trước khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU), các ngân hàng quốc tế thường né tránh
công nợ xứ này và không nhà đầu tư nghiêm túc nào có thể tin tưởng vào sự bền
vững của đồng drachma. Chính phủ Hy Lạp luôn luôn thiếu hụt về ngân sách, và cử
tri Hy Lạp luôn luôn thiên về các ứng cử viên xã hội (thích quốc doanh hóa các
xí nghiệp thành công và tái phân chia tài sản tư nhân bằng thuế vụ hay bội chi
cho các chương trình chính phủ).
Kết quả sau cùng là một nền kinh tế tụt hậu so với các quốc gia khác ở Âu châu
và những doanh nhân hay các tài năng về mọi ngành thường có khuynh hướng rời bỏ
Hy Lạp để đi lập nghiệp ở các xứ khác. Những người còn lại thì tìm đủ cách để
bòn rút tiền từ chính phủ, và có một câu nói phổ thông ở đây là: “Nếu bạn đóng
thuế thì chắc bạn không phải là dân Hy Lạp”.
Mọi chuyện đều thay đổi vào năm 2001, sau khi Hy Lạp gia nhập EU và bắt đầu
sử dụng đồng euro như bản vị chính. Các “kẻ cắp” đánh hơi và nghĩ đây là một
miếng mồi ngon. “Kẻ cắp” số một là tập đoàn Golfman Sachs và các “kẻ cắp” nhỏ
hơn như Credit Lyonnais, Societe Generale BNP, Deutsche Bank, UBS... chạy theo
sau bước chân đại ca không cần suy nghĩ.
Trước hết, báo cáo tài chính công của Hy Lạp không đủ tiêu chuẩn để thỏa mãn
đòi hỏi pháp lý của EU, nên Goldman Sachs phải tư vấn cho họ cách thức để giấu
nợ và thổi phồng số liệu nhằm mục đích vay tiền qua trái phiếu. Sau đó Goldman
Sachs phân phối các trái phiếu này cho đàn em là các ngân hàng Âu Mỹ. Mọi người
hạnh phúc. Chính phủ Hy Lạp có số tiền lớn để tiêu xài thoải mái, người dân và
“cò dự án” hưởng bao nhiêu là lợi ích từ những chương trình tiêu xài ngắn và
dài hạn, các ngân hàng Âu Mỹ thu về bao nhiêu là phí tư vấn và phí phát hành
trái phiếu.
Nhưng giống như tiểu thuyết, ngày vui lúc nào cũng chóng tàn. Mọi người quên
đi một chi tiết rất nhỏ nhặt: nợ đáo hạn thì phải trả. Các “kẻ cắp” quên nhắc
nhở các quan chức chính phủ điều này, và đa số người dân cũng nghĩ rằng họ
không liên hệ gì đến việc trả nợ khi họ bỏ phiếu chấp nhận những khoản vay.
Nhưng “bà già” Hy Lạp cũng không vừa. Họ nói với kẻ cắp là họ sẽ tuyên bố phá
sản và để mặc cho các “ngài ăn cắp” lo liệu.
Các ngân hàng Âu Mỹ sợ tái người. Mất đi hơn 400 tỷ đô la sẽ khiến vài ngân
hàng cỡ lớn đi theo Lehman Bros ra nghĩa địa và các vị giám đốc ngân hàng sẽ
mất công việc, mất nhà, mất xe, mất vợ, mất nhân tình. Họ thống nhất lại và
lobby các chính phủ Âu châu phải bỏ tiền ra cứu trợ Hy Lạp. Gói tài trợ năm
2010 với 160 tỷ đô la không đi đến đâu, và gói thứ nhì 170 tỷ đô la giữ tình
hình tạm yên lúc này. Tuy vậy, với số nợ lên đến 580 tỷ đô la hoặc hơn nữa
(khoảng 150% GDP), và lãi suất hơn 14%, Hy Lạp sẽ chẳng bao giờ trả nổi hết nợ.
Vấn đề có phá sản hay không chẳng còn là “câu hỏi” nữa, mà đề tài bây giờ là
“khi nào thì phá sản”.
Ít nhất, các “kẻ cắp” trong chuyện này cũng đã đẩy cây 330 tỷ đô la cho
người dân các nước Đức, Pháp... đóng thuế trả giùm Hy Lạp.
Mọt doanh nhân trẻ kể với tôi những thành công và thất bại của anh ta trong
10 năm qua, và xin ý kiến vì anh muốn tìm một định hướng mới cho sự nghiệp. Tôi
khuyên anh ta nên đọc đi đọc lại binh pháp của Tôn Tử và chiến thuật của
Machiavelli nếu muốn thắng trên thương trường. Nếu anh chỉ muốn làm người tử tế
và văn minh, thì nên đọc sách Lão Tử và Og Mandino.
Vấn nạn lớn nhất của anh trong thời đại kim tiền và đám mây kiến thức (cloud
computing) này là anh chưa định vị rõ ràng vai trò của mình trong màn kịch của
thế giới. Anh sẽ thủ vai “kẻ cắp” hay “bà già”? Hay chỉ là một nạn nhân lương
thiện và ngu dốt?
Bi kịch sẽ xảy ra khi người nham hiểm và mê tiền lại không biết làm kẻ cắp
hay bà già.
Chương 19 - Đầu tư ngoại tệ
nào?
Trong rổ ngoại tệ của thị trường ngoại hối hiện nay, có khá nhiều đồng tiền được
nhà đầu tư và người dân quan tâm nắm giữ. Tùy thuộc mục đích sử dụng mà mỗi
người có sự quan tâm khác nhau. Tuy nhiên, dù với mục đích nào thì việc lựa
chọn, nắm giữ các đồng tiền cũng sẽ dựa trên cơ sở giá trị thực và giá trị thị
trường của đồng tiền đó.
Giá trị thực của một đồng tiền được xác định bằng sức mạnh nội tại của nền
kinh ề. Còn sức mạnh của nền kinh tế lại được thể hiện qua một số chỉ tiêu cơ
bản, bao gồm: GDP, bảng cân đối tổng sản phẩm, thu nhập theo đầu người, tăng trưởng
kinh tế, dự trữ quốc gia (ngoại hối, hàng hóa, vàng hay bạc), cá cân thanh
toán, thâm hụt thương mại, nhập siêu, xuất siêu v.v...
Giá trị thị trường của một đồng tiền được xác định bằng cung và cầu, như một
loại hàng hóa có thể đánh giá mức độ hấp dẫn thông qua thanh khoản giao dịch
của thị trường.
Trên cơ sở xác định giá trị thực và giá thị trường của một đồng tiền, nhà
đầu tư sẽ ra quyết định lựa chọn loại ngoại tệ để đầu tư. Tuy nhiên, mức độ sai
số về sự chi phối, tác động ngoài dự kiến của nền kinh tế tới đồng tiền đó
trong nhất thời lẫn dài hạn là điều khó tránh.
USD (đô la Mỹ) là đồng tiền chính trong dự trữ ngoại hối của Việt Nam, cũng là
đồng tiền thanh toán quốc tế. Do đó, USD không chỉ quan trọng mà còn rất thanh
khoản tại Việt Nam
cũng như trên toàn thế giới. Trong tương lai gần, dự đoán giá trị của đồng USD vẫn
sẽ chịu sự chi phối của hai yếu tố cung cầu.
Nhân dân tệ (NDT - tiền Trung Quốc) ngược với các ngoại tệ khác. NDT không
do thị trường định giá mà do Chính phủ Trung Quốc “uốn nắn” theo mục đích chính
trị. Không một chuyên gia tài chính nào có thể tiên đoán được chính xác sự lên
xuống của NDT.
CHF (đồng franc Thụy Sĩ) là đồng tiền có giá trị thực khá cao do sự điều
hành về tài chính rất thông minh của chính phủ nước này. Đồng CHF đang được thị
trường đánh giá cao và cầu sẽ vượt cung vàp những năm tới.
CAD và AUD (tiền Canada
và Úc) là hai đồng tiền có vị thế và xu thế khá giống nhau, vì dựa trên nền
kinh tế giàu khoáng sản (và dầu mỏ ở Canada). Tuy nhiên, các nguyên liệu
thô đã tăng giá khá cao trong mấy năm vừa qua, và kinh tế toàn cầu đang suy
thoái, nên giá dầu và khoáng sản sẽ khó đạt mức tăng cao hơn nữa. Giá thị trường
hay giá trị thực của CAD và AUD vì vậy sẽ bão hòa ở mức hiện tại, không lên quá
cao, cũng không xuống quá thấp.
SGD (đô la Singapore)
đã tăng trưởng cao trong những năm gần đây, nhưng đây không hẳn là một nền kinh
tế dựa vào tài nguyên, tiêu thụ nội địa hay sức sản xuất hàng hóa.
Với tổng quan trên, nếu cần giữ tiền mặt, tôi sẽ chọn CHF. Tuy nhiên, lựa
chọn tối ưu của tôi từ trước đến nay vẫn là vàng. Cá nhân tôi trung thành với
quan điểm dẫu là thanh khoản, tiện lợi và được ưa chuộng đến đâu, mọi đồng tiền
giấy đều có thể bị chi phối, làm giá và in thêm từ các tác nhân chính trị, chưa
kể còn cộng thêm nhiều yếu tố khác. Tôi không bao giờ tin vào đồng tiền giấy,
mà tin vào giá trị của vàng về mặt tài chính.
Chương 20 - Giải mã nền kinh
tế ngầm
Trong viễn cảnh bi quan, nhiều chuyên gia níu lấy cái phao khó phản bác là “nền
kinh tế ngầm” của Việt Nam rất mạnh, lượng dự trữ vàng và ngoại hối rất cao,
các hoạt động này sẽ cứu nguy tình trạng vĩ mô, và chúng ta sẽ ổn thôi.
Theo ước tính, nền kinh tế ngầm của Trung Quốc và Việt Nam có thể chiếm 30
đến 45% GDP, so với khoảng 8% bên Mỹ. Lý do là tín dụng cá nhân ở đây không phổ
biến như bên Mỹ, và các giao dịch tiền mặt lên đến 65% tổng số thương vụ. Giả
thuyết này khá thuyết phục vì không ai rờ nắm được hiện trạng thực hư của con
số dự phóng.
Các mạng truyền thông thường nêu ra khuyết điểm lớn nhất của nền kinh tế Mỹ
là tín dụng cho người tiêu dùng chiếm tỷ lệ quá cao trên tổng số tín dụng của
quốc gia (hơn 30% của 40 ngàn tỷ đô la). Khi tỷ lệ thất nghiệp vượt 10%, thu
nhập để trả tiền nhà, tiền xe, tiền thẻ (credit cards) không đủ, tạo nên những
thất thoát lớn cho ngân hàng.
Trong khi đó ở Việt Nam,
phần lớn tín dụng là dành cho các doanh nghiệp, thay vì cá nhân, nên hiểm họa
nợ xấu do ăn tiêu quá mức khó xảy ra. Tuy nhiên, thực tế là hơn 40% nợ vay ngân
hàng là để đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hay các hoạt động thương mại
phiêu lưu khác, dù mọi người vẫn hay lách luật bằng nhưng tên gọi khác nhau.
Nền kinh tế ngầm Việt Nam
có thực sự đủ mạnh để giúp mọi người vượt qua bão lớn? Tầm ảnh hưởng của nó như
thế nào với hệ thống ngân hàng, với bong bóng bất động sản, với mức tiêu dùng
của người dân? Nó tùy thuộc thế nào vào lượng kiều hối, vào kênh đầu tư vàng,
vào sự trú ẩn an toàn của lượng tiền ngàn rỗi?
Tôi nghĩ, nền kinh tế toàn cầu sẽ lâm vào cảnh suy phát (stagflation) trong 4
đến 6 năm kể từ 2012. Khi quyết định kinh doanh hay đầu tư, doanh nhân cũng nên
suy nghĩ thêm về yếu tố này.
Chương 21 - Việt Nam và Trung
Quốc
Vì lịch sử và văn hóa hai nước có quá nhiều tương tác nên các doanh nhân Việt
thường nhìn thị trường và cơ hội Trung Quốc không mấy khách quan.
Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ về GDP khoảng 10 năm nữa vì dân số hơn 1,3 tỷ người
là quá lớn. Nhưng muốn qua mặt Mỹ về chất lượng cuộc sống, về sức mạnh quân sự,
về văn minh văn hóa, về GDP mỗi đầu người, thì Trung Quốc còn phải đợi ít nhất
là 30 năm nữa. Ảnh hưởng gì sẽ đến với các doanh nghiệp của chúng ta? Không gì
cả! Việc sống chết hay thăng trầm của doanh nhân luôn nằm trong sức mạnh nội
tại và những lợi thế cạnh tranh, dù có Trung Quốc hay không.
Dù thế nào, doanh nhân Trung Quốc cũng là những đối thủ cạnh tranh nặng ký
trên mọi phương diện đối với chúng ta.
Một yếu tố bất lợi cho doanh nhân Việt là người Trung Quốc không ưa người Việt.
Theo kết quả một khảo sát về những dân tộc mà người Trung Quốc yêu và ghét,
người Nhật Bản đứng hàng đầu về sự thù ghét vì những hành động xảy ra giữa Thế
chiến II khi Nhật xâm chiếm Trung Quốc. Nhưng rất ngạc nhiên là người Việt đứng
hàng thứ hai sau Nhật. Không những ghét, người Trung Quốc thường cho mình là
“thầy” của người Việt, vì họ cho rằng tất cả văn hóa, lịch sử của Việt Nam là
sự cóp nhặt, sao bản của Trung Quốc. Thái độ ghét và trịch thượng này sẽ ảnh
hưởng nhiều đến các giao dịch thương mại.
Quan trọng hơn, hàng hóa Trung Quốc rất cạnh tranh về giá cả nhờ một hệ
thống sản xuất được coi là “cơ xưởng của thế giới” và một tỷ giá NDT ở mức thấp
hơn giá trị thực khoảng 18%. Thêm vào lợi thế là một tổ chức ăn cắp công nghệ
tinh vi và sự không tôn trọng tài sản trí tuệ như thương hiệu, bản quyền, hàng
nhái, hàng giả..., cho nên, ngay cả hàng chất lượng Âu Mỹ cũng phải thua sút về
khả năng cạnh tranh.
Trung Quốc không có một thị trường đồng nhất như Âu, Mỹ hay Úc, Nhật. Đông nhất
là thị trường của 600 triệu người nghèo khổ tại thôn quê với thu nhập dưới
8.000 NDT mỗi đầu người một năm, nhưng tiềm năng phát triển tốt nhất là thị
trường trung lưu với hơn 300 triệu dân.
Một khó khăn khăn khác là sự thỏa hiệp giữa quan chức và doanh nhân tại mỗi
địa phương, và thói quen dùng quyềnlực và thủ đoạn để giành thị trường cho các
doanh nhân có quan hệ. Cách đây vài năm, ngay cả bia Heineken cũng bị ngăn chặn
bởi nhiều quận huyện không muốn thấy bia địa phương bị thua lỗ.
Tuy nhiên, lợi điểm của doanh nghiệp Việt Nam cũng khá nhiều. Ngoài việc nằm
sát Trung Quốc, hai quốc gia chia sẻ nhiều tương đồng về phương thức kinh
doanh, cơ chế chính trị, phí tổn lao động, hệ thống phân phối và thói quen cổ
truyền; hai nền kinh tế có thể hỗ trợ chặt chẽ cho nhau vì Trung Quốc cần nông
hải sản, khoáng chất, thị trường tiêu dùng, còn Việt Nam thì cần rất nhiều
nguyên liệu và máy móc cho sản xuất công nghệ xuất khẩu.
Để có hiệu quả hơn trong việc xâm nhập bền vững vào thị trường Trung Quốc,
doanh nghiệp Việt Nam
cần chú ý đến các thành tố sau đây:
1/ Sản phẩm: Đừng bắt chước Trung Quốc là lời nhắc nhở hằng ngày. Trừ những
hàng có đặc tính siêu cấp và độc đáo, chúng ta không thể cạnh tranh với hàng
Trung Quốc tại sân nhà của họ. Ngoài các nông hải sản mà Trung Quốc thiếu hụt,
như cà phê, trái cây nhiệt đới, những mặt hàng tiêu dùng Việt Nam như đồ gỗ hay
giày dép phải có thiết kế mỹ thuật cao cấp kiểu Ý, Pháp...
2/ Đối tác: Kiên nhẫn tìm cho được một đối tác lớn mạnh, tin cậy và thân
tình. Không mấy doanh nhân nước ngoài có thể vận hành tốt hệ thống tiếp thị và
cung cứng trong một thị trường phức tạp như Trung Quốc. Cũng cần tạo dựng những
quan hệ lâu dài với doanh nhân và quan chức, từ trung ương đến địa phương.
3/ Thị trường: Nhắm vào thị trường trung lưu và trẻ trung. Ít doanh nghiệp
Việt có bề sâu về quản trị và thương hiệu như Âu Mỹ để xâm nhập hữu hiệu vào
thị trường thượng lưu. Còn thị trường rẻ tiền thì nên chào thua trước vì doanh
nghiệp Trung Quốc đã làm bá chủ. Ngành nghề tiềm năng là quán ăn Việt, hàng hóa
đặc thù Việt, công nghệ cao kết hợp với giải pháp đặc biệt cho Á Châu...
4/ Chiến lược: Suy nghĩ dài hạn và độc đáo. Có thể bạn phải vấp ngã nhiều
lần trước khi tìm được mô hình kinh doanh hiệu quả. Sử dụng tối đa nhân viên và
tư vấn Trung Quốc để hòa đồng vào môi trường và phong cách. Tìm hiểu con người
và văn hóa Trung Quốc để biết thế mạnh yếu của doanh nghiệp mình.
Về đạo đức kinh doanh
Phần lớn những doanh gia thành công ở các thị trường mới nổi cho rằng việc kiếm
tiền cho doanh nghiệp là một hoạt động hoàn toàn về kinh tế, không liên quan gì
đến đạo đức xã hội hay tôn giáo, triết lý. Họ thường bào chữa cho các hành xử
sai trái trong công việc quản trị hằng ngày bằng một lời phán, “ai cũng làm như
thế cả”.
Người Mỹ có câu nói là khi con cá sấu gần táp vào quần của bạn thì bạn khó
mà nhớ được mục đích ban đầu của bạn là khai thông dòng suối. Đây cũng có thể
chỉ là một cách để thoái thác trách nhiệm để tăng lợi nhuận cho cá nhân và bảo
vệ tiếng tăm cho phe nhóm.
Tuy nhiên, để có sự thành công bền vững, doanh nhân và doanh nghiệp cần một
nhân cách đạo đức văn hóa làm nền tảng cho mọi phát triển.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard năm 1998 cho thấy, 78% công ty bền vững
và phát triển nhanh nhất trong 50 năm qua là những doanh nghiệp đặt nặng vấn đề
đạo đức và kỷ cương quản trị lên hàng đầu.
Bản nghiên cứu cho thấy đạo đức và kỷ cương đóng góp về lâu dài một niềm tin
tốt đẹp từ khách hàng, từ nhân viên, từ đối tác, từ nhà đầu tư, từ cộng đồng…
Đây là cách xây dựng thương hiệu hoàn hảo nhất.
Với một thương hiệu tiếng tăm và bền vững, công ty có thể tìm một tỷ lệ lợi nhuận
cao hơn các đối thủ cạnh tranh, một thị phần cao hơn của khách hàng trung
thành, và kết quả là một thành tựu khả quan hơn về tài chính.
Thiếu đạo đức và kỷ cương quản trị, doanh nghiệp sẽ biến thành một công ty của
cơ hội, của chụp giật, của đầu cơ. Mọi thành công sẽ tạm bợ, bạo phát bạo tàn.
Một doanh nghiệp muốn tăng trưởng bền vững phải sẵn sàng trả giá cho hành vi
đạo đức của mình.
PHƯƠNG THANH tóm tắt ( baodoanhnhansaigon.vn)